GÃY MỎM KHUỶU
Gãy mỏm khuỷu là gãy ở đầu trên xương trụ ở khuỷu tay. một trong ba xương kết hợp với nhau để tạo thành khớp khuỷu.
GÃY MỎM KHUỶU
(elbow olecranon fractures)
Gãy mỏm khuỷu là gãy ở đầu trên xương trụ ở khuỷu tay. một trong ba xương kết hợp với nhau để tạo thành khớp khuỷu.
mỏm khuỷu được xác định ngay dưới da ở khuỷu tay, không có nhiều cơ hay mô mềm khác bảo vệ. Nó có thể dễ dàng bị gãy nếu bị đánh trực tiếp vào khuỷu tay hoặc bị ngã. Gãy xương có thể rất đau, sưng và làm khuỷu tay cử động khó khăn hoặc không thể cử động.
Điều trị gãy mỏm khuỷu phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương. Nếu gãy mỏm khuỷu đơn giản, di lệch ít thì có thể điều trị bảo tồn bằng bó bột cho đến khi xương lành. Tuy nhiên trong hầu hết các gãy xương mỏm khuỷu thường mảnh gãy di lệch. Đối với những gãy xương di lệch cần phẫu thuật để nắn chỉnh di lệch để phục hồi giải phẫu, bất động xương gãy, tập phục hồi chức năng sớm nhằm lấy lại tầm vận động khớp khuỷu.
Hình 1: Gãy mỏm khuỷu
GIẢI PHẪU
Khớp Khuỷu là một khớp được tạo thành từ ba xương:
• Đầu dưới Xương cánh tay (xương cánh tay ở trên)
• Chỏm quay (đầu trên xương quay- xương cẳng tay bên ngón cái)
• Mỏm khuỷu (đầu trên xương trụ -xương cẳng tay bên ngón út)
Khớp khuỷu gấp và duỗi thẳng như một bản lề. Nó cũng quan trọng đối với việc xoay cẳng tay; nghĩa là khả năng sấp ngửa cẳng tay và bàn tay.
• Đầu dưới Xương cánh tay tạo thành phần trên của khuỷu tay gồm ròng rọc và chỏm con để tiếp khớp với mỏm khuỷu và chỏm quay giúp cẳng tay gập và duỗi thẳng được.
• Chỏm quay tiếp khớp với chỏm con của xương cánh tay và khuyết quay đầu trên xương trụ giúp cẳng tay gấp duỗi và sấp ngửa được.
• Mỏm khuỷu là đầu trên xương trụ ôm lấy đầu dưới xương cánh tay qua ròng rọc, tạo thành bản lề giúp vận động gập duỗi của khuỷu. Có thể dễ dàng sờ thấy đỉnh của mỏm khuỷu ngay dưới da vì nó chỉ được bao phủ bởi một lớp mô mỏng.
Khuỷu tay được giữ vững bằng cấu trúc xương, cũng như dây chằng, bao khớp, gân và cơ. Có ba dây thần kinh chính bắt chéo khớp khuỷu tay là thần kinh quay, thần kinh trụ và thần kinh giữa.
Hình 2: Giải phẫu khuỷu tay
LÂM SÀNG
Trong trường hợp gãy xương mỏ, xương có thể bị nứt nhẹ hoặc gãy thành nhiều mảnh. Các mảnh xương gãy có thể thẳng hàng hoặc có thể nằm xa vị trí (gãy xương di lệch).
Gãy mỏm khuỷu là loại gãy xương khá phổ biến. Mặc dù thường là gãy đơn thuần mà không có tổn thương kèm theo, nhưng cũng có thể là một phần của chấn thương khuỷu tay phức tạp hơn.
Trong gãy mỏm khuỷu, có thể gãy thành nhiều mảnh nhỏ, các mảnh gãy có thể di lệch, trong một số trường hợp xương gãy có thể chọc thủng gia làm ổ gãy thông thương với môi trường bên ngoài. Đây gọi là gãy xương hở. Gãy xương hở đặc biệt nghiêm trọng vì nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng cao. Điều trị ngay lập tức là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.
NGUYÊN NHÂN
Gãy mỏm khuỷu thường xẩy ra bởi:
- Ngã trực tiếp vào khuỷu tay
- Bị một vật cứng va chạm trực tiếp vào khuỷu chẳng hạn bị đánh, xe đâm thẳng vào khuỷu tay.
- Ngã với tư thế cánh tay dang rộng với khuỷu tay được giữ chặt để chống lại cú ngã. Trong tình huống này, cơ tam đầu, bám vào mỏm khuỷu, có thể kéo một mảnh xương ra xa khỏi xương trụ. Tổn thương dây chằng quanh khuỷu tay cũng có thể xảy ra với loại chấn thương này.
TRIỆU CHỨNG
Gãy mỏm khuỷu thường gây ra đau đột ngột, dữ dội và có thể khiến bạn không thể vận động khuỷu tay được. Các dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương có thể bao gồm:
• Sưng ở đỉnh mỏm khuỷu hoặc sau khuỷu tay.
• Bầm tím quanh khuỷu tay. Đôi khi, vết bầm tím này lan lên cánh tay về phía vai hoặc xuống cẳng tay về phía cổ tay.
• Ấn mềm khi chạm tay vào.
• Tê một hoặc nhiều ngón tay.
• Đau khi cử động khuỷu tay hoặc xoay cẳng tay.
• Cảm giác khớp lỏng lẻo (mất vững khớp), như thể khuỷu tay của bạn sắp bật ra ngoài.
KHÁM BỆNH
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về nguyên nhân, thời điểm và địa điểm xảy ra tai nạn như thế nào và hỏi về các triệu chứng của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ khám khuỷu tay của bạn để xác định mức độ chấn thương.
• Kiểm tra da của bạn xem có vết cắt, sưng tấy, phồng rộp và bầm tím không. Trong trường hợp gãy xương nghiêm trọng, các mảnh xương có thể xuyên qua da, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
• Sờ (sờ) xung quanh khuỷu tay của bạn để xác định xem có bất kỳ khu vực đau nào khác không. Điều này có thể cho thấy xương bị gãy hoặc chấn thương khác, chẳng hạn như trật khớp khuỷu tay.
• Kiểm tra mạch ở cổ tay để đảm bảo rằng máu lưu thông tốt đến bàn tay và các ngón tay của bạn.
• Kiểm tra để đảm bảo rằng bạn có thể cử động các ngón tay và cổ tay cũng như có thể cảm nhận mọi thứ bằng các ngón tay của mình.
Mặc dù bạn có thể chỉ bị đau ở khuỷu tay nhưng bác sĩ cũng có thể kiểm tra vai, cánh tay trên, cẳng tay, cổ tay và bàn tay của bạn để đảm bảo rằng bạn không có bất kỳ chấn thương nào khác.
X-QUANG
X-quang cung cấp hình ảnh các cấu trúc đặc như xương. chụp Xquang khuỷu giúp chẩn đoán gãy xương, trật khớp vùng khuỷu
ĐIỀU TRỊ
Khi bạn vào phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ đặt nẹp để cố định khớp khuỷu cho bạn. Điều trị ban đầu có thể gồm:
- Chườm lạnh để giảm đau và sưng.
- Thuốc giảm đau.
- Nẹp cố định.
ĐIỀU TRỊ BẢO TỒN
Nếu gãy xương di lệch ít hoặc không di lệch thì được điều trị bằng nẹp bột hoặc bó bột cho đến khi xương lành. Trong suốt qua trình lành xương, bác sĩ sẽ chụp X-quang định kỳ để đảm bảo xương không bị di lệch thứ phát.
Bạn được mang nẹp hoặc bó bột trong vòng 6 tuần, sau đó tháo bột để tập phục hồi vận động cho khớp khuỷu.
ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Phẫu thuật được chỉ định khi gãy mỏm khuỷu với:
- Gãy xương di lệch
- Gãy xương hở
Phẫu thuật cho gãy xương mỏm khuỷu thường lên quan đến việc nắn chỉnh các mảnh gãy di lệch lại vị trí giải phẫu bình thường và bất động ổ gãy bằng đinh néo ép hoặc nẹp vít cho đến khi xương lành.
Do tăng nguy cơ nhiễm trùng, nên các gãy xương hở được lên kết hoặch phẫu thuật càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được tiêm kháng sinh trong phòng cấp cứu và được tiêm phòng uốn ván., Trong quá trình phẫu thuật, các vết thương sẽ được cắt lọc và bơm rửa để làm sạch vết thương. Thường kết hợp xương được tiến hành trong cùng một phẫu thuật cho gãy xương hở.
Mổ nắn và cố định bên trong. Đây là phương pháp thường được sử dụng nhất để điều trị gãy xương mỏm khuỷu. Trong quá trình phẫu thuật, các mảnh gãy được nắn chỉnh di lệch về vị trí giải phẫu bình thường. Các mảnh gãy sau đó được cố định bằng đinh, chỉ thép néo ép, vít hoặc bằng nẹp vít.
Một số phương pháp cố định bên trong phổ biến được trình bày dưới đây.
Hình 3: Mổ kết hợp xương néo ép mỏm khuỷu
GHÉP XƯƠNG
Nếu một số mảnh xương bị mất do vết thương hoặc bị gãy nát, sập lún thì có thể ghép xương để lấp đầy khoảng trống. Xương ghép có thể là xương ghép tự thân (lấy từ chỗ khác trong cơ thể), xương ghép đồng loại (xương của người hiến tặng). Trong một số trường hợp, vật liệu nhân tạo có thể được sử dụng thay vì ghép xương.
BIẾN CHỨNG
Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm:
Cứng khuỷu tay: Một trong những vấn đề phổ biến nhất mà bệnh nhân gặp phải sau bất kỳ gãy xương nào quanh khuỷu tay là cứng khớp. Điều rất quan trọng là bắt đầu vật lý trị liệu sớm theo chỉ dẫn để tránh bị cứng khuỷu tay.
Nhiễm trùng: Có nguy cơ nhiễm trùng với bất kỳ phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Kích ứng dụng cụ: Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể bị kích ứng do dụng cụ kim loại được sử dụng để điều trị gãy xương. Sau một thời gian sau phẫu thuật có thể bị chồi đinh, lộ nẹp vít …
Tổn thương dây thần kinh và mạch máu: Có một nguy cơ nhỏ gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu xung quanh khuỷu tay.
Không lành xương: Đôi khi, gãy xương không lành. Vết nứt có thể tách ra và các vít, nẹp vít hoặc chỉ thép có thể di lệch chuyển hoặc gãy. Điều này có thể xảy ra vì một số lý do, bao gồm:
• Người bệnh không tuân thủ chỉ định sau phẫu thuật.
• Bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, khiến vết thương chậm lành. Hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác cũng làm chậm quá trình lành vết thương.
• Nếu gãy xương có liên quan đến vết thương trên da (gãy xương hở), quá trình lành xương thường chậm hơn.
• Nhiễm trùng cũng có thể làm chậm hoặc ngăn cản quá trình lành xương.
Nếu xương gãy không lành, bạn có thể cần phẫu thuật thêm.
TS.BS LÊ NGỌC TUẤN
BV. CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH TP.HCM
Bác sĩ Lê Tuấn
- Cơ quan: Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, 929 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TP.HCM
- Phòng mạch: 684/5 Trần Hưng Đạo, Phường 2, Quận 5, TP.HCM
Điện Thoại, Zalo: 0912.868.577
Xem thêm